The Journal

Sơn ta - Sơn mài, vẻ đẹp xưa nhưng không cũ

bởi Quyên Pippi Đăng vào May 19, 2021

Sơn ta - Sơn mài, vẻ đẹp xưa nhưng không cũ

Trải qua lịch sử nghìn năm sơn ta - trăm năm sơn mài, câu chuyện về sơn ta vẫn luôn hiển hiện với đầy tính triết lý về sự chuyển mình chậm rãi nhưng "quý giá" đối với nền hội họa Việt Nam. Đó là một hành trình dài và bền bỉ truyền tải văn hóa đặc sắc của dân tộc mà sơn ta - sơn mài đã tạo nên.

Rừng cây sơn tại Phú Thọ (Ảnh: La Sonmai)

Sơn ta là sơn mài, nhưng sơn ta không chỉ có mỗi sơn mài. Có nguồn gốc từ lâu đời, sơn ta hay còn gọi là sơn sống, là chất nhựa tiết ra từ cây sơn và sau đó, được sử dụng pha với bột màu tự nhiên để vẽ. Để thu được loại nhựa này, người ta phải thức dậy từ sáng sớm trước khi mặt trời lên vì sau đó, cây sơn sẽ không tiết nhựa nữa. Khoảng 300 cây sơn mới thu được 1kg nhựa. Thế cho nên, sơn ta vô cùng quý hiếm. Thêm vào đó, nó có độ dính cao, khi sơn khô thì rất bền, không thấm nước, không mối mọt, chịu được axit và nước biểm, chịu được nhiệt độ cao. Mặt sơn dễ mài phẳng, có độ bóng cao và tạo độ sâu tốt, giúp tôn màu sắc sâu thẳm và bền màu. Và độc lạ là, càng để lâu thì càng lên "màu thời gian" rất đẹp.

Sáng sớm là thời điểm thu hoạch sơn ta lý tưởng vì đó là thời điểm chất lượng sơn tốt nhất.

Sáng sớm là thời điểm thu hoạch sơn ta lý tưởng vì cho ra chất lượng sơn tốt nhất.

Trước khi sơn ta được đưa vào khai thác và sáng tạo như chất liệu đặc biệt của hội họa, vốn dĩ sơn ta đã có một vị thế vững chắc khi kết hợp trong kiến trúc và điêu khắc. Từ năm 1953, công dụng của sơn ta đã giúp làm tôn thêm vẻ đẹp lộng lẫy và quyền quý cho những vật dụng vương giả trong giới quý tộc như hộp, tráp, cơi trầu; sơn son, thếp vàng trên những câu đối, hoành phi hay những pho tượng quý giá. Thực sự nếu thử loại bỏ đi lớp sơn ta ấy, có lẽ những trải nghiệm về mặt thẩm mỹ khó mà đạt được.

Khoảng từ những năm 1930, trước sự tìm tòi và phát triển của các nhóm nghệ sĩ tiên phong ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sơn ta trở thành "hồn cốt" trong quá trình sáng tác tranh sơn mài - tức là dùng kỹ thuật mài ra hình sau khi làm những lớp màu chìm, trở thành nghệ thuật hội họa khá độc đáo của Việt Nam. Từ chỉ là vật liệu phụ bao phủ cho những vật dụng quen thuộc, sơn ta vụt sáng trở thành thứ tất yếu và linh hồn của những bức tranh sơn mài đắt giá.

Đánh sơn  (Ảnh: La Sonmai)

Sơn ta có khả năng đặc biệt khi kết hợp với các vật liệu truyền thống như vỏ trai, vỏ trứng, vàng bạc và bột màu để tạo ra những hiệu ứng lung linh và huyền ảo mà không chất liệu nào sánh được. Ngày nay, với một hành trình rất dài và có rất nhiều con đường mới được mở ra, sơn Nhật hay sơn công nghiệp được nhiều họa sĩ lựa chọn sử dụng thay cho sơn ta trong sơn mài. Về kỹ thuật áp dụng không có nhiều sự khác biệt, tuy nhiên, hiệu quả thẩm mỹ thì có sự khác biệt đáng kể như: sự tịt và lì màu, không có chiều sâu của sơn Nhật so với sơn ta. Sơn Nhật đáp ứng nhu cầu nhanh và giảm tải được thời gian chế tác tuy nhiên phai màu nhanh, bong tróc nhiều...Bởi thế mà dù cho quý, hiếm và đắt giá hơn hản, nhưng vẻ đẹp của sơn ta vẫn luôn là thứ được ngưỡng vọng và là tiếng nói đại diện của tranh sơn mài Việt Nam.

Bộ sản phẩm ốp sơn mài thủ công của La Sonmai

Bộ sản phẩm ốp sơn mài thủ công của La Sonmai

Chính bởi vẻ đẹp không gì sánh được và thay thế được ấy mà dù sơn ta có xuất hiện từ rất xa xưa nhưng vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ để thế hệ tiếp nối vẫn có thể khai thác và đổi mới liên tục. Bên cạnh những họa sĩ tìm đến sơn công nghiệp để thay thế, thì vẫn còn rất nhiều những họa sĩ đam mê và bên bỉ với sơn ta - sơn mài truyền thống. Tiêu biểu là những họa sĩ trong Nhóm họa sĩ sơn ta, hoạt động tại Hà Nội với rất nhiều hoạt động ý nghĩa để gìn giữ và phát triển sơn ta trong sơn mài Việt. Nhóm đã tổ chức được 4 buổi triển lãm chung với hàng trăm tác phẩm trưng bày tại Hà Nội. Đây được coi là sự đóng góp to lớn và tích cực cho hoạt động sáng tạo mỹ thuật và góp phần quảng bá rộng rãi các giá trị nghệ thuật truyền thống đến giới thường thức trong và ngoài nước.