The Journal

Nghệ thuật sơn mài - niềm kiêu hãnh của mỹ thuật Việt

bởi Quyên Pippi Đăng vào May 19, 2021

Nghệ thuật sơn mài - niềm kiêu hãnh của mỹ thuật Việt
Nhắc tới dòng tranh sơn mài, giới mỹ thuật thế giới không thể không nhắc tới vẻ nổi bật của mỹ thuật Việt Nam. Ngoài việc duy trì những tinh túy vốn có từ cha ông truyền lại, những thế hệ làm nghề nối tiếp đang từng ngay nỗ lực và mở ra thêm những hướng đi mới cho sơn mài Việt Nam. Kết hợp và áp dụng thêm những nguyên tắc của mỹ thuật phương Tây, tạo ra thêm trường phái mới cho phong cách hội họa Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Hành trình phát triển của nghề sơn mài Việt Nam

Hai tiếng sơn mài là cách gọi phối hợp giữa chất liệu (sơn) và động tác kỹ thuật (mài). Lần theo các tài liệu và khảo cổ thì sơn mài đã xuất hiện cách đây 2.500 năm trên các vật dụng quen: đồ gỗ, đồ thờ cúng... Chất liệu sơn được khai thác từ nhựa cây Sơn - mọc nhiều ở vùng trung du Bắc Bộ, đặc biệt là Phú Thọ. Sơn được thu hoạch sau đó trải qua quá trình chế biến để quét lên bề mặt sản phẩm nhằm làm tăng thêm độ bền và sau đó phát triển dần sang tranh trang trí, thêm những đường nét, phát triển hoa văn để tạo nét độc đáo cho sản phẩm.
Nhưng không chịu dừng lại trong những giới hạn về màu sắc và hoạt tiết sẵn có. Từ năm 1930, các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương như Trần Quang Trân, Phạm Hậu, Trần Văn Cẩn... đã phối hợp với các nghệ nhân Nguyễn Gia Trí tiến hành thử nghiệm va đưa kỹ thuật sơn son thếp vàng vào làm tranh nghệ thuật. Từ đó thuật ngữ "Tranh sơn mài" xuất hiện. Sơn mài cũng bắt đầu xuất hiện trong trường học nghệ thuật của Việt Nam từ rất sớm. Và kể từ đó, chất liệu sơn mài liên tục được sáng tạo thêm, từ hai màu truyền thống là cánh gián đỏ và đen, sau này có thêm các vật liệu như vàng, bạc, son, then, vỏ trứng, vỏ trai...
Tranh Sơn Mài: của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Tác phẩm "Dân làng". Họa sĩ: Phạm Hậu. Năm 1934 (Ảnh: Coutau-Besgarie)
Tranh Sơn Mài: của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Tác phẩm "Dân làng" của Họa sĩ Phạm Hậu, năm 1934 (Ảnh: Coutau-Bégarie)
Sơn mài là nghệ thuật độc đáo của Việt Nam, là sự tìm tòi và phát triển không ngừng của các nghệ sĩ đàn anh đã đưa nghề sơn thủ công truyền thống của Việt Nam thành kỹ thuật sơn mài. Tuy nhiên, hai tiếng 'sơn mài" hay vị hiểu nhầm sang các đồ dùng thủ công mỹ nghệ của Nhật, Trung Quốc. Thật ra, chính kỹ thuật mài là điểm khác biệt to lớn giúp phân định nghệ thuật Việt Nam với sơn mài thế giới.
Và trong sơn mài Việt có những nguyên tắc “ngược đời”: muốn lớp sơn vừa vẽ nhanh khô, phải ủ trong tủ ủ kín gió và có độ ẩm cao. Muốn thấy tranh lại phải mài mòn đi. Hầu hết họa sĩ đồng ý rằng kỹ thuật vẽ sơn mài khó và có tính ngẫu nhiên nên nhiều khi các họa sĩ dày dặn kinh nghiệm cũng bất ngờ trước một hiệu quả đạt được sau khi mài tranh.

Sơn mài với những bước đi "chậm" nhưng khẳng định "chắc" giá trị riêng

Từ năm 1931 trở về trước, công dụng của sơn ta chỉ nhằm phủ lên đồ vật để làm tôn lên vẻ lộng lẫy cho những vật dụng thường ngày như khay, tráp. đôi guốc, đồ thờ...với sắc màu truyền thống, cơ bản thì có: son, đen, nâu, cánh gián, vàng, bạc...
Nhưng với sự tìm tòi phát triển của các họa sĩ tiên phong, sơn ta đã thoát ra khỏi những giới hạn truyền thống, bước đi rộng thênh thang trên con đường mới với những bước đi nghệ thuật mới. Từ những đồ vật quen thuộc thư cái tráp, chiếc guốc, nó vượt lên trở thành vẻ đẹp kiêu hãnh của bức họa quý giá; từ việc được sử dụng làm phương tiện để tô vẽ cho đồ vật, sơn ta trở thành phương tiện độc đáo diễn đạt tâm hồn người nghệ sĩ. Vươn mình ra thế giới, trở thành một vẻ đẹp mà nhiều người ngưỡng vọng và mong muốn khám phá.
"Phong cảnh trung du Bắc Bộ", Tác giả: Phạm Hậu. 1940-1945, sơn mài trên gỗ, gồm 8 tấm, kích thước mỗi tấm 124,5cm x 33cm (Ảnh: artmarketmonitor.com)
"Phong cảnh trung du Bắc Bộ", Tác giả: Phạm Hậu. 1940-1945, sơn mài trên gỗ, gồm 8 tấm, kích thước mỗi tấm 124,5cm x 33cm (Ảnh: artmarketmonitor.com)

Những nỗ lực bảo tồn tinh túy và vẻ đẹp sơn mài truyền thống

Tranh sơn mài là phát hiện lớn lao về mặt nghệ thuật và kỹ thuật của nền mỹ thuật Việt Nam nói riêng và hội họa Á Đông nói chung. Trong dòng chảy nghệ thuật tạo hình hiện đại đương đại Việt Nam, sơn mài trở thành sự hấp dẫn đối với rất nhiều các họa sĩ trong quá trình nghiên cứu, tạo tác và thể hiện những quan điểm mới, góc nhìn mới về nghệ thuật truyền thống.
"Nguyện cầu". Tác giả: Bùi Hữu Hùng. Chất liệu: Sơn mài. (Ảnh:greenpalmgallery.com)
Trên nền sơn mài Việt, bằng cách cảm nhận, thủ pháp khác nhau, các họa sĩ đương đại Việt tạo ra những tác phẩm giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, vừa thể hiện bản sắc mà vừa mang những âm hưởng riêng.  Sự hấp dẫn về chất liệu, sự sang trọng và lộng lẫy từ hiệu ứng sơn mài đã thu hút những họa sĩ kế thừa khao khát tìm kiếm. Rất nhiều những lối khai thác mới đã được các họa sĩ tiên phong mạnh dạn thử nghiệm, tạo sự phong phú và đa dạng cho các hình thức biểu đạt khác nhau.
"Hoàng hậu". Tác giả: Bùi Hữu Hùng. Chất liệu: Sơn mài. (Ảnh: Pinterest.co.uk)
Sơn mài Việt được coi là báu vật trong mắt người thường thức và các nhà sưu tầm mỹ thuật thế giới, sánh ngang với những chất liệu tiêu biểu khác của phương Tây. Ngày nay chúng ta đang có cơ hội được tiếp nhận thêm rất nhiều những sự đổi thay mới trong loại hình nghệ thuật này. Chất liệu thì có thêm vỏ ốc, vỏ trứng, vỏ trai. Chủ đề tạo tác được tự do tìm hiểu và khai thác. Điều nay mở ra những chân trời mới, những đỉnh cao mới cho ngành sơn mài Việt Nam. Nhưng dù thế nào thì nghệ thuật truyền thống vẫn luôn phải được giữ nét truyền thống tinh túy.
Ngày nay, nghệ thuật sơn mài đương đại Việt Nam vẫn đang tiếp tục kế thừa và phát triển những lối biểu hiện và tìm tòi thêm những con đường mới cho nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Dĩ nhiên những gì thuộc về hồn cốt và tinh túy của truyền thống vẫn luôn được kế thừa và gìn giữ. Thế hệ kế thừa vẫn đang đào sâu và hết mình cho nghệ thuật sáng tạo này, và sơn mài Việt sẽ còn tiếp tục tỏa sáng và phát triển vươn ra thế giới và là niềm tự hào nền mỹ thuật Việt Nam.